Hướng dẫn lắp đặt máy lạnh đúng cách

Hướng dẫn lắp đặt máy lạnh đúng cách




Khi chúng ta cần mua và sử dụng máy lạnh điều mà mọi người quan tâm nhất đó là chọn công suất máy phù hợp với căn phòng, giá cả vừa với túi tiền, các thủ thuật khi lắp ráp máy lạnh để máy lạnh chạy bền… Điện Lạnh Đông Á sẽ làm rỏ một số vấn đề của các bạn qua bài viết sau đây:
1. Cách chọn công suất của máy lạnh

Việc chọn công suất máy lạnh phải dựa vào kết cấu phòng như tường bao che, cửa kính, hướng nắng, thông gió và khí hậu của từng khu vực. Công suất máy được gọi theo công suất điện tiêu thụ của máy nén lạnh với đơn vị tính là sức ngựa (HP), ví dụ như 1HP~9.000 BTU/h (công suất lạnh), 1.5HP~12.000 BTU/h, 2HP~18.000 BTU/h, 2.5HP~24.000 BTU/h. Theo kinh nghiệm, với kết cấu nhà ở Việt Nam hiện nay, có thể chọn công suất máy tương đương 1HP cho phòng ngủ với diện tích 14m2 – 16m2 hoặc cho phòng khách với diện tích 12m2 – 14m2. – Chọn mua máy nào và mua ở đâu? Máy lạnh thường dùng cho căn hộ gia đình là loại máy 2 mảnh có dàn lạnh treo lên tường và dàn nóng đặt ngoài trời. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy được sản xuất tại Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam,… với chất lượng kiểu dáng và giá cả khác nhau rất xa. Chọn được một máy lạnh vừa đẹp, vừa bền, vừa phù hợp với túi tiền của mình là nỗi đắn đo của người tiêu dùng. Khi chọn mua máy, ngoài chất lượng, kiểu dáng và giá cả, bạn cần quan tâm đến dịch vụ hậu mãi của nhà cung cấp như chế độ bảo hành, phụ tùng thay thế,… Để chắc chắn, bạn nên liên hệ trực tiếp với những trung tâm hoặc các nhà đại lý phân phối của chính hãng, máy bán phải có kèm hóa đơn tài chính và phiếu bảo hành của hãng. Trong thời gian gần đây cũng xuất hiện một vài nhãn hiệu máy lạnh được lắp ráp tại Việt Nam từ các nhà máy liên doanh với chất lượng và giá cả cạnh tranh.
2. Lắp ráp máy lạnh cần xem hướng gió

Khi cục nóng đặt ở vị trí có hướng gió thổi trực tiếp vào bề mặt thoát nhiệt của máy sẽ xuất hiện hiện tượng “đối gió”. Nhiệt từ máy thoát ra bị gió tự nhiên thổi ngược trở vào máy, khiến cho máy không giải nhiệt được và gây ra hiện tượng quá nhiệt, khiến nhiệt độ trong phòng không hạ xuống được và máy thường xuyên bị tắt bất thường.
3. Chú ý khi lắp đặt máy :

Yêu cầu chung

- Vị trí lắp máy phải dễ thao tác. Nếu ở vị trí khó lắp phải trang bị giàn giáo và dây bảo hiểm.
- Dây ống đồng nối giữa cục nóng và cục lạnh không được dài quá 15m đối với máy có công suất 9000BTU và 12000BTU.
- Đối với máy có công suất 18000BTU, 20000BTU và 24000BTU dây ống đồng nối giữa cục nóng với cục lạnh không dài quá 20m.
- Cục nóng không nên đặt cao quá cục lạnh 7m đối với máy có công suất 9000BTU và 12000BTU, không quá 15m đối với máy có công suất 18000BTU, 20000BTU và 24000BTU.
- Dây cáp nguồn cho máy có công suất 9000BTU và 12000BTU ≥1,5mm
- Dây cáp nguồn cho máy có công suất trên 18000 BTU ≥ 2,5mm

Yêu cầu đối với vị trí lắp cục lạnh

- Lắp cục lạnh lên tường thật chắc chắn và cân đối để tránh bị rung.
- Luồng khí ra và vào không bị cản trở để khí có thể toả đều khắp phòng.
- Không lắp cục lạnh nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
- Lắp cục lạnh ở nơi có thể nối với cục nóng bên ngoài một cách dễ nhất.
- Lắp cục lạnh ở nơi đường ống thoát nước có thể lắp đặt dễ dàng và tấm lọc khí có thể tháo ra để bảo dưỡng, lau chùi thường xuyên được.
- Đường thoát nước ở cục lạnh phải dốc.

Yêu cầu đối với vị trí lắp cục nóng

- Nếu có thể, không nên lắp cục nóng nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
- Không lắp cục nóng ở nơi có gió thổi mạnh hoặc nhiều bụi rác.
- Không đặt cục nóng ở nơi có nhiều người qua lại.
- Không nên đặt cục nóng trực tiếp xuống đất.
- Lưu ý tới hướng nhà hàng xóm vì rất có thể khí từ cục nóng thổi vào cửa sổ hoặc gây ra tiếng ồn.
- Chỗ đặt cục nóng phải thoáng, khoảng cách giữa tường bao quanh với hai đầu hồi và đằng sau giàn nóng phải ≥ 30 cm
- Khoảng cách tường đối diện với cục nóng phải ≥ 60 cm

Thao tác lắp máy

- Dùng thước Đivô lấy thăng bằng để đặt giá treo giàn lạnh, lấy dấu đục lỗ và điểm bắt vít.
- Khi đục lỗ, chú ý sao cho vết đục lỗ phải nhẵn và hơi dốc ra phía ngoài, mép dưới của lỗ đục không được thấp hơn mép dưới của giàn lạnh. Giá đỡ giàn lạnh phải được bắt vít một cách chắc chắn vào tường.
- Đo khoảng cách từ giàn lạnh đến giàn nóng.
- Cắt ống đồng bọc bảo ôn, dây điện máy.
- Làm đầu giắc co: Đánh dấu dây điện theo thứ tự đấu vào giàn lạnh, thao tác sao cho đầu giắc co
không bị nứt vỡ.
- Luồn đường ống đồng qua lỗ đã đục để treo giàn lạnh vào giá đỡ.
- Ghim hoặc treo đường ống đồng một cách chắc chắn vào tường.
- Khoan giá đỡ giàn nóng
- Đặt cục nóng lên giá đỡ, tiến hành siết giắc co đầu đẩy giàn nóng, sau đó xả đuổi không khí ở giàn lạnh và siết tiếp giắc co đầu hồi.
- Đấu điện theo thứ tự đã đánh dấu ở giàn lạnh, cuốn băng cuốn và mở ga.

Yêu cầu

- Ống đồng lắp phải đạt yêu cầu thẩm mỹ. Nếu cuốn đường nước theo ống đồng thì khi ghim ống phải có độ dốc.
- Đầu giắc co phải kín.
- Giá treo cục nóng phải bảo đảm độ chắc chắn, an toàn.

Chạy thử máy

- Kiểm tra đường thoát nước xem có nước ở giàn lạnh chảy ra hay không, nếu thấy có nước chảy theo đường ống thoát nước là máy hoạt động bình thường.
- Kiểm tra giàn nóng và giàn lạnh xem hoạt động có êm hay không.
- Dùng đồng hồ Ampe để đo mức ổn định của dòng điện.
- Dùng đồng hồ áp suất để đo áp suất ở đầu hồi về của giàn nóng theo đúng tiêu chuẩn quy định.
4. “Bẫy dầu ” là gì? tại sao phải có bẫy dầu?

Một số trường hợp do vị trí lắp máy không thuận tiện nên phải để cục nóng ở sân thượng hoặc mái nhà…nói chung là những vị trí cao hơn cục lạnh. Trường hợp này nếu thợ không có kinh nghiệm xử lý thì chỉ vài ngày sau khi lắp đặt là máy có thể bị hỏng

Bởi vì cục nóng có chưá gas và dầu bôi trơn, khi máy chạy, gas bay hơi còn dầu chạy theo chiều dốc của ống và đọng lại nhiều trong cục lạnh khiến máy không lạnh, trong khi đó block máy lại thiếu dầu bôi trơn. Thợ có kinh nghiệm sẽ làm một oil cap (bẫy dầu), bằng cách uốn ống hình chữ U để không cho dầu rơi xuống cục lạnh, gây cháy block vì cục nóng thiếu dầu bôi trơn.